Bài học cuộc đời: Cho – Nhận

Phàm trong cuộc sống, có người Cho đi thì ắt sẽ phải có người Nhận lấy. Cho và Nhận luôn có mối quan hệ mật thiết với nhau, một vòng tuần hoàn luân chuyển. Ai cũng từng nghe qua câu nói “ Cho đi là hạnh phúc “, cộng với quan niệm về đạo đức nên con người thường có xu hướng mong muốn Cho đi nhiều hơn là chờ Nhận lấy.

 

Ta có thể Cho đi những thứ hữu hình dễ nhận thấy nhất là tiền bạc, vật chất…Cũng có thể Cho đi những thứ vô hình như: thời gian, sức khỏe, tình cảm …Đó là hành động xuất phát từ tình yêu thương và lòng nhân ái của con người với con người. Và đương nhiên cái Cho đi từ vật chất luôn dễ dàng hơn những thứ khác.

 

Vì dụ: Trong phong trào quyên góp dành cho trẻ em mồ côi, khuyết tật… Khi bạn bỏ vật chất vào đấy đó là sự Cho đi đơn giản. Có người bỏ thời gian quý báo của bản thân chỉ để đi quyên góp, nhặt nhạnh từng món đồ. Có người bỏ sức khỏe, tình cảm để đến tận nơi chăm sóc, vệ sinh, chơi đùa, thậm chí bồng bế các bé trên tay…Những đứa trẻ này cần lắm sự yêu thương để cơ thể khỏe mạnh, tinh thần vui vẻ. Đó là hành động hoàn toàn tự nguyện, không vụ lợi cá nhân. Tóm lại, sự Cho đi dù bất kỳ hình thức nào cũng đáng trân trọng.

 



Nguyên tắc của Cho là chỉ Cho những gì trong khả năng của bản thân, phải tự biết giới hạn của mình, nếu không sẽ dẫn đến quá đà, là lao tất cả ra bên ngoài, là quên mất chính mình, tự đem đến đau khổ và mệt mỏi.

 

Và khi chúng ta Cho đi thì chúng ta cũng phải học Nhận lấy, chấp nhận những gì được Cho. Đó luôn là hai mặt của vấn đề mà linh hồn đều cần để trải nghiệm đủ trạng thái. Có những đời chúng ta chỉ luôn đóng vai trò là người Cho đi, nó gần như là quán tính, cho tới khi chúng ta được Nhận thì lại cảm thấy bản thân không xứng đáng. Kiểu như là : “ Quái, mình có làm gì đâu mà được hưởng như vậy !” , mà không hiểu rằng Nhận cũng là cách chúng ta được đền đáp lại.

 

Nếu chúng ta cứ từ chối Nhận thì có những kiếp đầu thai chúng ta bắt buộc Nhận ở các dạng khác theo dạng thức bắt buộc, không chủ động. Ví dụ bạn bệnh nặng, không đủ sức khỏe và phải bắt buộc Nhận sự chăm sóc của người khác. Vì vậy, hãy cứ thoải mái đón Nhận khi mình được Cho, bởi bạn xứng đáng!


Hãy nhớ rằng, chúng ta Cho đi cái này nhưng có thể Nhận lại cái khác. Chúng ta Cho người này nhưng lại Nhận từ người khác.


Và chúng ta cũng không thể không Cho đi và không Nhận lấy, như thế chẳng phải quá cô độc, là đứng yên không vận hành. Như vậy đâu phải là hạnh phúc, linh hồn cũng không thể học hỏi và trải nghiệm ở trạng thái đó. Ta chỉ sống trong thế giới của chính bản thân mình và mất kết nối với xung quanh.

 

Ngày trước tôi luôn có một vấn đề thắc mắc, khi tìm đến tâm linh, về việc nếu chúng ta đầu thai để trải nghiệm, học hỏi cho linh hồn phát triển. Thì tại sao có những kiếp người khi vừa sinh ra đã lựa chọn không có sức khỏe tốt . Vậy thì linh hồn này sẽ học được bài học gì, hay họ đầu thai chỉ với mục đích trợ giúp cho linh hồn khác để linh hồn ấy học được bài học về dưỡng nuôi, về yêu thương vô điều kiện, về lòng nhân hậu…khi phải chăm sóc những người bệnh này. Nếu thế thì chẳng phải quá phiến diện sao. Nhưng giờ tôi hiểu rằng khi linh hồn chọn trải nghiệm kiếp sống ốm đau đó là họ cũng học bài học cho chính họ - Bài học Nhận.

 

Ví như khi ta trồng cây lâu năm thì hãy thoải mái hưởng thụ thành quả, những gì ta xứng đáng Nhận lấy. Cho và Nhận – tưởng chừng như là những khái niệm đơn giản nhưng để hiểu và làm được thì không hề dễ dàng. Cuộc sống chỉ thực sự có ý nghĩa khi có sự vận hành kết nối, chia sẻ giữa con người với con người.